Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

Khổ 1- Vội Vàng (XD)

Câu II.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm): ĐH khối D 2009
Phân tích hình ảnh thiên nhiên và cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau:Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này cây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
(Vội vàng - Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.22)

Dàn ý của Gv THPT Chu Văn An-HN

- Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ Mới, là hồn thơ dạt dào nhất ở chốn nước non lặng lẽ. Phong cách nghệ thuật và cái tôi trữ tình của Xuân Diệu đã được thể hiện rõ nét trong “Vội vàng”, bài thơ được coi là “bản tuyên ngôn sôi nổi của quan niệm nhân sinh mới mẻ: niềm khát sống, khát yêu đến cuồng nhiệt” (Nguyễn Hoành Khung).
- Xuân Diệu với con mắt xanh non, con mắt biếc rờn, con mắt phát hiện đã nhìn ngắm thế giới theo cách của riêng mình và khám phá ra cả một bữa tiệc trần gian trong những câu thơ mở đầu bài thơ:
+ Vạn vật vốn quen thuộc hiện lên trong thơ Xuân Diệu với một sức sống căng tràn, khoẻ khoắn, đầy xuân sắc và tình tứ, lấp lánh và kỳ diệu (tháng mật, xanh rì, cành tơ, khúc tình si…)
+ Vạn vật có đôi có cặp, hoà hợp say sưa ngây ngất trong mảnh vườn tình ái.
+ Thiện nhiên dạt dào, lôi cuốn không ngừng (điệp từ “này đây”) và mang hơi thở, sức sống cuả con người, cụ thể là mang vẻ thanh tân của người con gái đẹp. Đây là một cách tân táo bạo so với thơ ca trung đại bởi thơ trung đại bao giờ cũng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực (tháng giêng ngon như một cặp môi gần)
- Xuân Diệu cũng dõng dạc và say mê bày tỏ một cái tôi trữ tình trong đoạn thơ đầu:
+ Cái tôi trữ tình là đóng góp lớn nhất của các nhà thơ mới cho nền thơ ca dân tộc, nói như Hoài Thanh đã hình thành một thời đại thi ca “đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi”… Trong thời đại ấy, Xuân Diệu là tiếng thơ thể hiện đầy đủ nhất cho ý thức cá nhân của cái tôi thơ mới, đồng thời mang đậm bản sắc riêng.
+ Trước hết, nó hiện ra trong hình tượng của một cái tôi tích cực mãnh liệt đầy khát khao giao cảm với cuộc đời. Vì thế mới có ước muốn táo bạo, cuồng vĩ, “tắt nắng” “buộc gió” và một giọng điệu thơ mê say, đắm đuối như muốn bộc bạch với mọi người, với cuộc đời niềm ngây ngất trước cảnh sắc trần gian đang bày ra trước mắt.
+ Đồng thời, Xuân Diệu đã thể hiện nỗi ám ảnh về thời gian trôi nhanh, tuổi trẻ qua mau. Người xưa coi thời gian là tuần hoàn, chu kỳ, tuần tự, còn Xuân Diệu cảm nhận thời gian tuyến tính, một đi không trở lại. Điều đó dẫn tới lối ứng xử vội vàng, cuống quít, tiếc thời gian, sợ mất mát, đang dẫm chân trên mảnh vườn tình ái đã lo lắng nhìn thấy một hoang mạc cô liêu; tiếc xuân ngay ở giữa độ xuân thì (phân tích “tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”)…
- Với một hồn thơ yêu đời yêu sống như vậy, “Vội vàng” cũng như cả sự nghiệp thơ ca của Xuân Diệu đã thổi vào phong trào thơ mới một luồng gió nồng nàn sôi sục, ít có trong thơ ca truyền thống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét